Một số biện pháp tác động vào ý thức học sinh gợi hứng thú học tập bộ môn

Tháng Mười Một 13, 2021 8:40 chiều

Nhà văn người Nga MaksimGorki đã có câu nói nổi tiếng: Thiên tài nảy nở từ tình yêu đối với công việc. Như vậy,cùng với tự giác, hứng thú làm nên tính tích cực nhận thức, giúp học sinh học tập đạt kết quả cao, có khả năng khơi dậy mạch nguồn của sự sáng tạo.
Vậy Giáo viên có thể làm gì để thu hút và duy trì sự chú ý của học sinh trong giờ học? Làm sao để giáo viên tạo được sự hứng thú cho học sinh?
Theo tôi, Những biện pháp tạo hứng thú xuất phát từ 3 luận điểm cơ bản: Một là: Hiệu quả thực sự của việc dạy học là học sinh biết tự học; tự hoàn thiện kiến thức và tự rèn luyện kỹ năng, hai là: Nhiệm vụ khó khăn và quan trọng nhất của GV là làm sao cho học sinh thích học, ba là: Dạy học phải làm cho HS cảm thấy biết thêm kiến thức của mỗi bài học ở mỗi môn học là có thêm những điều bổ ích, lý thú từ một góc nhìn cuộc sống.
Với ba luận điểm này, thực chất của việc dạy học là truyền cảm hứng và đánh thức khả năng tự học của người học. Người học chỉ tự giác, tích cực học tập khi họ thấy hứng thú. Hứng thú được hình thành, duy trì và phát triển nhờ môi trường giáo dục với vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, tổ chức của GV. GV là người có vai trò quyết định trong việc phát hiện, hình thành, bồi dưỡng hứng thú học tập cho HS.
Sau đây tôi xin trình bày một số biện pháp tác động vào ý thức hs giúp khơi gợi hứng thú học tập bộ môn.
1.Tạo hứng thú học tập bằng cách làm cho học sinh nhận thức được mục tiêu, lợi ích của bài học
Bước cơ bản của việc tạo sự hứng khú cho học sinh chính là làm cho học sinh nhận thức được mục tiêu, lợi ích của bài học để tạo động cơ học tập. Mục tiêu này trình bày thông qua các tình huống dạy học cụ thể, tùy vào chủ đề cụ thể và bộ môn cụ thể.
2. Tạo hứng thú học tập bằng cách tác động vào nội dung dạy học
Sau khi đã giúp học sinh nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của bài học, hãy khiến cho nội dung học tập trở nên thú vị hơn. Các thầy cô có thể sắp xếp lại các kiến thức trong SGK theo phong cách của mình, theo sự sáng tạo của mình làm sao cho mỗi bài học được làm ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm làm gia tăng tỷ lệ học sinh xem hết bài giảng cũng như ghi nhớ kiến thức. Thêm vào đó, việc học bài trở thành một nhiệm vụ dễ hoàn thành, học sinh cũng sẽ hào hứng, tự tin hơn.
Việc lấy các ví dụ là phần quan trọng giúp các em học sinh nắm bắt, hiểu rõ hơn lý thuyết. Các gv cố gắng lấy những ví dụ gần gũi với đời sống xung quanh học sinh.(Lấy dẫn chứng)
3. Tạo hứng thú học tập bằng cách phối hợp các phương pháp và các hình thức dạy học linh hoạt
Nếu Nội dung hay nhưng cách truyền tải không khơi gợi được hứng thú thì rất uổng phí phần nội dung mà các thầy cô đã mất công tìm tòi, nghiên cứu.Vì thế, ngoài việc khai thác sự lí thú trong chính nội dung dạy học, hứng thú của HS còn được hình thành và phát triển nhờ các phương pháp, thủ pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với sở thích của các em.
Một số hình thức giảng dạy giúp khơi gợi hứng thú học tập của học sinh như sau:
3.1. Tổ chức trò chơi học tập:Trong thực tế dạy học, giờ học nào tổ chức trò chơi cũng đều gây được không khí học tập hào hứng, thoải mái, vui nhộn. Trò chơi học tập có khả năng kích thích hứng thú và trí tưởng tượng của trẻ em, kích thích sự phát triển trí tuệ của các em.
Trò chơi học tập nhất thiết phải là một bộ phận của nội dung bài học, phải là một phần cấu tạo nên bài học.
3.2. Tổ chức hoạt động học theo nhóm
Học theo nhóm là hình thức học tập có sự hợp tác của nhiều thành viên trong lớp nhằm giải quyết những nhiệm vụ học tập chung. Được tổ chức một cách khoa học, học theo nhóm sẽ phát huy tính tích cực, sáng tạo, năng lực, sở trường, tinh thần và kĩ năng hợp tác của mỗi thành viên trong nhóm. Trong giờ học biện pháp này đã tạo nên một môi trường giao tiếp tự nhiên, thuận lợi, đó là hoạt động giao tiếp nhằm trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của những người bạn.
3.3Tạo ra những video dạy học thú vị
Việc trình chiếu video vừa giúp học sinh thư giãn sau những phút đọc sách, nhìn bảng, vừa giúp thầy cô đan cài kiến thức. Quá trình này có thể giúp học sinh ghi nhớ kiến thức được lâu và nhanh hơn.
3.4. Tổ chức dạy học ngoài trời
Dạy học ngoài trời là một hình thức tổ chức dạy học có nhiều lợi thế để phát triển năng lực giao tiếp cho HS. Dạy học ngoài trời tạo điều kiện để HS quan sát thiên nhiên, chơi các trò chơi… nhằm gây hứng thú, sự tích cực học tập cho các em. Tổ chức tiết học ngoài trời sẽ giúp HS tri giác trực tiếp đối tượng và ghi nhớ tốt, không phải tri giác gián tiếp qua các phương tiện dạy học. Các em có điều kiện gần gũi, hiểu biết về thiên nhiên, từ đó có ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống xung quanh
4. Tạo hứng thú học tập bằng cách phối hợp các phương pháp và các hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp:
Giáo viên cũng cần lưu ý cách đánh giá kết quả học tập của học sinh: Hãy cho các em có được cảm giác thành công và lạc quan với những kết quả dù là rất nhỏ,đây thật sự của ham muốn học hỏi. Cần phải biết tỏ ra ngạc nhiên, vui sướng trước sự sáng tạo của học sinh, cần phải biết kiềm chế, đồng cảm với học sinh. Có thể bài làm của các em chưa tốt, chưa như mong muốn và hi vọng của mình, nhưng giáo viên phải có nghệ thuật khen chê. Từ đó, học sinh nhận ra cái thiếu sót của mình, cũng từ đó các em biết cách thay đổi ở những bài sau và đó cũng chính là nguồn gốc của sự tiến bộ.
5. Tạo hứng thú học tập bằng việc xây dựng môi trường thân thiện giữa thầy và trò, trò và trò
Bên cạnh việc tác động vào nội dung và phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, việc thiết lập được mối quan hệ hợp tác tích cực tốt đẹp giữa thầy và trò, giữa các trò cũng sẽ tạo hứng thú cho học sinh. Hình thức tổ chức dạy học hấp dẫn cùng với một bầu không khí thân ái hữu nghị trong giờ học sẽ tạo ra sự hứng thú cho cả thầy và trò.
Trên đây là một số biện pháp tác động vào ý thức học sinh tạo hứng thú học tập bộ môn mà bản thân tôi đã đúc rút được qua thực tế giảng dạy.Kính mong các đồng chí cùng góp ý để nhằm đem lại những tiết học đầy hứng khởi, sáng tạo và hiệu quả. Cảm ơn các đồng chí đã chú ý lắng nghe.

Người viết:

Trần Thị Trinh