VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN TRONG VIỆC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
Tháng Ba 23, 2019 8:20 sángNgày nay, toàn thế giới đang bước sang giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế tri thức thì” Tri thức đã trở thành yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế, các quốc gia đều ý thức rõ về vai trò của giáo dục trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy lao động sản xuất, tạo động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững”. Chính vì thế, việc đổi mới tư duy giáo dục trong thời đại tri thức nhằm đáp ứng sự thay đổi của cuộc sống phát triển không ngừng là một tất yếu. Việc đổi mới phương pháp dạy học trước hết là đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực người học và cuối cùng là vì mục tiêu đáp ứng bối cảnh của thời đại, nhu cầu phát triển đất nước. Và đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Để đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả, Giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Với sự nhận thức đúng đắn, với tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm cao, kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học và tổ chức hướng dẫn học sinh học tập tốt là những phẩm chất cần thiết của người giáo viên trong nhà trường.
- Người giáo viên phải có hệ thống kiến thức vững chắc và đa dạng.
Giáo viên phải có kiến thức sư phạm về chuyên môn đồng thời phải có khả năng truyền tải những kiến thức vào chương trình giảng dạy, vào bài soạn, áp dụng vào bài làm, vào bài ôn tập, vào sự đánh giá cũng như các hoạt động khác của việc giảng dạy. Giáo viên có nhiều kiến thức, có nhiều cách tổ chức và trình bày ngắn gọn, sáng tỏ cùng với sự nhiệt tình trong giảng dạy chắc chắn sẽ truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả và thành công hơn
- Giáo viên phải xác định được những vấn đề trọng tâm cần đổi mới.
Giáo viên muốn đổi mới phương pháp dạy học thì phải xác định trước mục tiêu giáo dục được đổi mới, nội dung giáo dục, phương tiện dạy học, hình thức tổ chức và phương thức đánh giá giáo dục phải đáp ứng được nhu cầu đổi mới. Cố gắng xác định mục đích, xây dựng mục tiêu để phát triển bài soạn theo hướng giảm lý thuyết tăng thực hành là một sự đổi mới cần thiết cho quá trình đổi mới phương pháp dạy học.
- Giáo viên phải nắm vững kỹ năng truyền đạt kiến thức.
Giáo viên phải nắm vững yêu cầu nội dung giáo dục, nắm vững kiến thức và kỹ năng cần truyền đạt đến học sinh để thiết kế dẫn dắt học sinh đi từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều. Nếu người giáo viên khéo kéo phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh thì sẽ giúp phát triển các năng lực, tư duy, khả năng sáng tạo liên hệ của học sinh.
Giáo viên hiện nay không còn là người truyền thụ kiến thức mà là người hỗ trợ học sinh, định hướng, hướng dẫn tìm chọn và xử lý thông tin để tìm ra những kiến thức mới
- Lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp.
Đổi mới phương pháp dạy học phụ thuộc vào đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh vì vậy nhà giáo cần phải chủ động, có sáng kiến và tùy thuộc vào môi trường cho phù hợp.
Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là tạo ra một phương pháp khác với cái cũ, để loại trừ cái cũ. Những phương pháp cũ đều có những ưu điểm riêng, dựa trên sự đổi mới người giáo viên lựa chọn, chọn lọc những ưu điểm đó để áp dụng vào từng bài học để trong một giờ lên lớp, phải làm sao cho những học sinh tốt nhất cũng được thoả mãn nhu cầu tri thức, thấy tri thức là một chân trời mới. Còn những học sinh học yếu nhất cũng không thấy bị bỏ rơi, họ cũng tham gia được vào quá trình khám phá cái mới. Điều này là đặc biệt cần thiết, vì học sinh sẽ hào hứng để đi tìm tri thức chứ không còn bị động, bị nhồi nhét nữa.
Phương pháp dạy học thực sự là một phong trào tích cực trong thi đua giảng dạy, bản thân mỗi giáo viên sẽ có những phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy riêng cho mình để giúp học sinh lĩnh hội nền tri thức mới.