Chuyên đề: Phương pháp dạy học Tiếng Anh hệ 10 năm

Tháng Mười 24, 2017 7:32 chiều

CHUYÊN ĐỀ : PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TIẾNG ANH HỆ 10 NĂM

 

  1. ĐẶT VN ĐỀ

Việc dạy- học ngoại ngữ nói chung và bộ môn tiếng anh ở nước ta nói riêng đang thực hiện bước chuyển từ chư­ơng trình giáo dục tiếp cận nội dung  sang tiếp cận năng lực người học, từ chỗ quan tâm đến việc HS học được cái gì đến chỗ quan tâm HS vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, nhất định phải thực hiện thành công việc chuyển từ phương pháp dạy học theo lối ‘truyền thụ một chiều” sang dạy cách học ,cách rèn luyện kĩ năng, vận dụng kiến thức vào thực tiễn tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui,hứng thú, phát triển phẩm chất, năng lực cho người học; đồng thời phải coi trọng cả kiểm tra đánh giá kết quả học tập với với kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập để có thể tác động kịp thời nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động dạy học và giáo dục.

Hội nhập với quốc tế, mỗi người cần có kiến thức cần thiết, trong đó trình độ về ngoại ngữ là rất quan trọng. Muốn như vậy, HS cần được trang bị tiếng Anh từ khi còn học phổ thông. Theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020, mục tiêu là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với sở GD_ĐT Quảng Bình, trong năm học 2017- 2018, sẽ tiếp tục triển khai chương trình tiếng Anh theo SGK mới ở những trường THCS.

Thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020”, trong năm học 2017-2018, Trường THCS Quảng Sơn thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh theo sách giáo khoa (SGK) lớp 6 mới. Với chương trình mới, học sinh (HS) được trang bị cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; qua đó giúp các em tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập.

Đối với bản thân tôi đang trực tiếp giảng dạy, tôi nhận thấy chương trình sách giáo khoa Tiếng Anh 6 thí điểm có những mặt tích cực mang lại sự hứng thú cho người dạy và người học. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có một số bất cập khi tiếp cận với chương trình mới . Sau đây tôi xin trình bày một số ý kiến về những mặt thuận lợi và khó khăn của SGK mới và đưa ra một số giải pháp cơ bản để khắc phục những khó khăn.

 

  1. THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN CỦA CHƯƠNG TRÌNH SGK MỚI:
  2. THUẬN LỢI:

Chương trình mới có những ưu điểm vượt trội so với chương trình cũ về nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy. GV có ngữ liệu nhiều hơn, nhưng đòi hỏi người thầy phải có trình độ để đáp ứng giảng dạy cả 4 kỹ năng cho HS. Không khô khan như chương trình cũ, giờ học theo chương trình SGK mới rất sôi động, HS tích cực tham gia vào bài học, thường xuyên hoạt động nhóm, tham gia thuyết trình…

Chương trình đổi mới có nhiều từ mới, từ vựng nhiều, chủ đề rộng, HS được nói và nghe nhiều hơn, ngữ pháp cũng nhẹ hơn so với các lớp cơ bản. Các em cũng thường xuyên làm bài thuyết trình, rèn cho HS khả năng hùng biện, tự tin khi giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, Sách mới thiết kế số lượng từ vựng và hoạt động nhiều hơn, nội dung nghe phong phú. Chủ đề các bài nghe gần gũi với HS, mang lại sự sáng tạo cho các em. Đặc biệt, sách mới có phần đề tài, sau mỗi bài đều có phần này, giúp HS hoạt động nhóm và phát huy các kỹ năng của mình.

Phần khởi động cho mỗi tiết học hấp dẫn hơn, thú vị hơn, làm cho không khí lớp học sôi nổi hơn.Ví dụ: Các em được ôn bài cũ bằng một trò chơi với những từ mới liên quan theo chủ đề, thu hút sự tham gia sôi nổi, gây nhiều hứng thú học tập từ phía các em HS.

Các nội dung trong sách giáo khoa thí điểm thực tế và sát với lứa tuổi học sinh THCS. Ví dụ, sau mỗi bài học thì HS có thể làm một dự án nhỏ về điều kiện thực tế trong cuộc sống hàng ngày như vẽ và miêu tả ngôi nhà mơ ước của em, cách làm kỷ yếu của lớp, cách viết một trang web bằng tiếng Anh hay cách viết thư điện tử. Đây là điều mà từ trước đến nay các em HS phải đến lớp 8 mới được làm quen.

 

  1. KHÓ KHĂN:

Chương trình sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6 thí điểm đúng là khá nặng so với học sinh tham gia chương trình và mới mẻ với giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Bước đầu triển khai vào quá trình học cũng gặp một số khó khăn vì lượng kiến thức trong một tiết học của chương trình mới gấp 1,5 lần tiết học bình thường, lại có số lượng từ nhiều đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực thực sự từ chính HS.  Đối với những học sinh có năng lực tiếp thu chậm thì sẽ không theo kịp.

Vì lượng kiến thức quá dài nhưng thời gian cho mỗi tiết thì phân bố theo chương trình củ (45 phút) nên không đủ thời gian để đi sâu và nâng cao cho học sinh. Nhiều giáo viên chưa xác định được tiết đó nên dạy phần nào trước phần nào sau, nên bố trí thời gian như thế nào để điều tiết hợp lý cho việc truyền tải kiến thức.

Đa số giáo viên chưa được tập huấn kỹ và thường xuyên với phương pháp dạy SGK mới nên quá trình xác định kiến thúc trọng tâm và cách thức thực hiện tiết dạy còn khá lúng túng.

Nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn về chuyên môn theo khung tham chiếu bậc châu Âu theo quy định.

Đối với trường miền núi như chúng tôi, phần đông cá em còn gặp khó khăn trong học tập, thời gian và phương tiện đầu tư cho việc học của các em còn hạn chế, dẫn đến sự chủ động, sáng tạo trong học tập chưa có. Vì muốn tiếp thu được chương trình mới thì đòi hỏi các em phải nghiên cứu bài trước thật nhiều thì lúc tới lớp mới năm bắt kịp tiến độ dạy học của giáo viên.

Trang thết bị phục vụ cho việc dạy học ngoại ngữ còn hạn chế, lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu của bộ môn. Đây cũng là một nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dạy học.

Lớp học đông nên việc rèn các kỹ năng cho học sinh còn khó khăn, việc quan sát và bao quát mọi đối tượng trong tiết dạy còn hạn chế, nên hiệu quả chưa cao.

III. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN:

-Ưu tiên giáo viên có năng lực cho chương trình thí điểm:

Theo yêu cầu, giáo viên phải đạt trình độ bậc 4/6 (B2) hoặc tiệm cận bậc 4/6 (B2) theo khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam. Ưu tiên chọn các giáo viên được đào tạo về phương pháp dạy và đạt trình độ bậc 4/6 (B2) và các chứng chỉ quốc tế tương đương.

Chương trình sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6, 7,8 và 9 thí điểm đúng là khá nặng so với học sinh tham gia chương trình và mới mẻ với giáo viên trực tiếp giảng dạy. Vì vậy, yêu cầu giáo viên dạy lớp cần phải nghiên cứu kỹ chương trình, nội dung dạy nhằm xoáy sâu vào nội dung trọng tâm bài dạy, sử dụng tối đa các trang thiết bị dạy học ngoại ngữ được Sở GD&ĐT cấp để đạt chuẩn kiến thức nội dung của chương trình tiếng Anh mới thí điểm.

  • Tăng tiết đối với môn Tiếng Anh: Vì kiến thức quá dài và rộng nên có sự điều chỉnh để kéo dản các tiết dạy cho phù hợp. Khi thực hiện tăng tiết, phải điều chỉnh thời lượng dạy học hợp lý theo từng bài dạy và từng học kỳ; tập trung tăng tiết cho các đơn vị bài học có nội dung quan trọng và khó. Đồng thời, khuyến khích xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp như giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, văn hóa – lịch sử – địa lý địa phương,… trong chương trình dạy tăng tiết, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt dạy học phân hóa.

– Không nhất thiết dạy theo bài, tiết trong sách giáo khoa:

Thực hiện thiết kế  các tiết dạy nghe và nói theo hướng đơn giản hóa, hoặc kết hợp 2 tiết nghe và nói thành 1 tiết. Riêng với tiết dạy kỹ năng viết, giáo viên cần thiết kế chương trình dạy vừa đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng, vừa phù hợp với trình độ học sinh, đảm bảo học sinh có thể hoàn thành các yêu cầu của bài viết (tăng thời lượng dạy môn viết, sử dụng phương pháp linh hoạt các phương pháp giảng phù hợp cho môn viết…).

Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề trong từng học kỳ mà không nhất thiết phải theo bài/tiết trong sách giáo khoa.

Mỗi chủ đề có thể được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số bước trong tiến trình sư phạm của bài học.

Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ trên lớp. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần chú trọng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở ngoài lớp học và ở nhà.

Tuy nhiên, việc thiết kế các hoạt động dạy học, thời lượng dạy học trong một tiết dạy phải bảo đảm chuyển tải tất cả các nội dung cần thiết và đáp ứng được kiến thức, kỹ năng mà học sinh cần nắm.

-Thay đổi cách soạn giảng, đa dạng hóa kỹ thuật dạy:

Giáo viên phải dần thay đổi cách biên soạn bài giảng theo hướng phát triển năng lực học sinh, tránh sao chép rập khuôn. Khuyến khích biên soạn giáo án theo hình thức từng hoạt động cụ thể.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các kỹ thuật dạy cho từng khối lớp, phù họp từng kỹ năng ngôn ngữ. Phối hợp với các phương thức khuyến khích tính sáng tạo, học tập năng động, tích cực, khuyến khích sự tự tin của học sinh và quản lý một lớp học đông học sinh…

Ví dụ: Đối với chương trình tiếng Anh thí điểm :Giáo viên cần đầu tư thời gian nhiều cho việc soạn giảng và nghiên cứu chương trình dạy, tập trung làm rõ mục tiêu cụ thể và rõ ràng, yêu cầu của từng đơn vị bài dạy và kết quả đạt được sau từng tiết dạy.

Đa dạng các phương pháp và kỹ thuật dạy từ vựng sao cho phù hợp với từng cấp lớp, và từng kỹ năng ngôn ngữ. Chú ý đến việc cung cấp các gốc từ, các tiếp đầu ngữ và tiếp vị ngữ phổ biến cho học sinh nhằm giúp học sinh tăng cường vốn từ vựng và sử dụng các từ một cách dể hiểu và nhớ lâu.

Cho ví dụ minh họa về cách dùng từ rất quan trọng trong dạy từ vựng. Tuy nhiên, ví dụ minh họa nên lấy từ nội dung bài dạy, hoặc có liên quan đến bài dạy dưới nhiều hình thức, như đơn giản hóa câu có chứa từ vựng nhằm giúp cho học sinh hiểu được nghĩa từ trong ngữ cảnh. Việc cho ví dụ có liên quan đến nội dung bài dạy giúp học sinh dễ hiểu bài và hoàn thành tốt những bài tập học sinh chuẩn bị thực hiện.

Giáo viên cũng cần khai thác hợp lý và tận dụng tối đa các tranh ảnh trong sách giáo khoa để dạy các kỹ năng ngôn ngữ cho học sinh. Việc sử dụng các trang thiết bị nghe, nhìn (tranh ảnh, vật thật, mô hình…) cần phải lựa chọn cẩn thận cả về mặt nội dung lẫn hình thức…

Cần xây dựng kế hoạch dạy chi tiết ngay từ đầu năm học. Đa dạng các kỹ thuật dạy và kết hợp với các đồ dùng dạy học như tranh, ảnh, trình chiếu powerpoint, máy nghe… một cách hợp lý để dạy các kỹ năng ngôn ngữ, ngữ pháp và từ vựng cho phù hợp với trình độ lĩnh hội của học sinh và môi trường học.

Giáo viên cũng cần mạnh dạn thiết kế lại các tasks ở các tiết dạy nghe, nói và viết nhằm giúp học sinh đạt kết quả tốt, tránh trình trạng dạy theo kiểu biểu diễn, chạy theo hình thức…

 

Trên đây là những thuận lợi , khó khăn và một số giải pháp mà tôi đã rút ra được từ việc giảng dạy chương trình SGK mới. Kính mong các đồng chí đồng nghiệp cùng góp ý để xây dựng được phương pháp dạy học hay cho chương trình SGK mới.

Xin chân thành cảm ơn.

 

 

                                                                                Quảng Sơn, ngày 23 – 10- 2017

                                                                                            Người báo cáo:

   

 

                                                                                            Trần Thị Trinh